25/04/2024 lúc 20:06 (GMT+7)
Breaking News

Để có nền văn nghệ chiếu sáng cuộc sống

VNHNO - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2018), bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ.

VNHNO - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2018), bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, về những vấn đề phát triển văn học nghệ thuật được đề cập trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Văn nghệ đa dạng trong thống nhất

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong thời kỳ đổi mới, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Theo nhà thơ, các giá trị mới đó là gì?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trước hết, đó là sự đồng hành cùng dân tộc, đem hết tài năng và tâm huyết phụng sự lợi ích tối cao của dân tộc. 70 năm qua, chúng ta đã xây dựng thành công một nền văn nghệ mới, trong đó lòng yêu nước được thể hiện sống động trong cuộc sống cách mạng, khát vọng được độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là những cảm hứng bao trùm trên tất cả các loại hình văn học nghệ thuật. Và cùng với thời gian, mỗi thế hệ lại làm sâu sắc thêm với những khám phá nghệ thuật mới mẻ, độc đáo, ghi dấu vẻ vang về những năm tháng hào hùng không bao giờ quên.

Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Thứ hai, văn nghệ đã tái hiện một cách chân thực tầm vóc và sức mạnh của nhân dân, đó là những con người bình thường mà phi thường, cần cù nhưng dũng cảm, đằm thắm, hiền hậu nhưng vô cùng bất khuất, yêu chuộng hòa bình nhưng khi cần có thể hy sinh tất cả. Cuộc sống của nhân dân, số phận của nhân dân, sức mạnh của nhân dân là dấu ấn đậm nét và xúc động nhất của nền văn nghệ cách mạng.

Thứ ba, là vừa kế thừa sâu sắc những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa thế giới để làm mới cho nền văn học nước ta. Đó là mối quan hệ dân tộc và thời đại. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng có bước trưởng thành nhanh chóng.

Thứ tư là nền văn nghệ không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng trẻ. Rất nhiều tài năng được phát hiện qua các cuộc thi, các trường đào tạo, đi bồi dưỡng trong và ngoài nước. Những năm qua, nhiều người được giải thưởng, thành những chuyên gia đầu ngành.

Thứ năm, phát triển nền văn hóa các dân tộc thiểu số anh em. Trước cách mạng thì rất ít, hầu như không có người dân tộc thiểu số làm văn nghệ chuyên nghiệp. Giờ đây, nền văn nghệ của ta có đủ các dân tộc, nhiều dân tộc thiểu số giờ đây không những có chữ viết mà còn phát triển nền văn nghệ giàu bản sắc. Đó là bức tranh văn nghệ đa dạng trong thống nhất.

Không ai đào tạo được nhà văn...

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trao đổi, tâm tình với các văn nghệ sĩ trẻ về xây dựng khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ thấy vấn đề này như thế nào?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Thế hệ trẻ sau hai cuộc chiến tranh, so với cha anh được thừa hưởng thành quả to lớn của cách mạng, của kháng chiến và của công cuộc đổi mới mang lại. Nhưng lý tưởng cầm bút, lý tưởng xã hội, phấn đấu cho xã hội như thế nào, cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào thì còn phải phấn đấu rất nhiều. Không ít bạn trẻ rơi vào giãi bày tâm trạng cá nhân, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp. Đề tài cũng khá phong phú nhưng không tập trung, ít gây được ấn tượng mạnh. Kinh nghiệm cho thấy, nền văn học lớn phải có khát vọng lớn. Nếu loanh quanh viết về cá nhân vụn vặt, tủn mủn thì không bao giờ trở thành tác giả lớn.

Về lý tưởng thẩm mỹ, văn nghệ sĩ trẻ háo hức đi tìm cái mới. Đó là điều đáng mừng. Nhưng còn nặng về hình thức. Nội dung xã hội, giá trị văn chương, chân dung con người thời đại trong không ít tác phẩm còn mờ nhạt. Tất nhiên không phải tất cả. Nhiều anh chị em trẻ rất khá, trưởng thành nhanh, dũng cảm đi vào những vấn đề gai góc, đặc biệt là những vấn đề đạo đức xã hội. Họ đã đem sinh khí mới vào đời sống văn nghệ nước nhà. Đa phần anh chị em vẫn bám sát đời sống, có khắc khoải, trăn trở tìm kiếm con đường sáng tạo cho riêng mình.

Giải pháp cho tình trạng này có nhiều. Trước hết là với lớp trẻ. 5 năm một lần, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị cho nhà văn chuyên nghiệp, sau đó còn có hội nghị riêng cho các nhà văn trẻ. Đó chính là hội nghị định hướng về trách nhiệm xã hội, về nghề nghiệp.

Hội tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi, lấy giải thưởng trong các cuộc thi định hướng đề tài cho anh em trẻ. Tiếp nữa là qua các lớp tập huấn, đào tạo. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam duy trì mở lớp lý luận phê bình, một người có thể dự 4 năm liền, mỗi năm đi sâu vào một vấn đề, khía cạnh để đào tạo các cây bút. Các trại sáng tác chuyên đề giữa Hội Nhà văn Việt Nam với quân đội, với các địa phương, với liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tổ chức để thu hút anh em.

Hay hoạt động phê bình, việc đọc tác phẩm, đánh giá tác phẩm của anh em trẻ còn yếu. Phê bình bây giờ thấy chỉ có khen một chiều. Tôi cho rằng nếu thực sự yêu quý, muốn giúp đỡ người trẻ thì phải chỉ cho người ta chỗ thiếu sót, non yếu. Bây giờ đọc thấy báo nào cũng nặng về khen. Làm như vậy là chưa thực sự quý trọng anh em và gây cho họ cảm giác tự thỏa mãn. Tự thỏa mãn với lĩnh vực nào cũng không tốt, riêng với văn học nghệ thuật thì tự thỏa mãn là giậm chân tại chỗ, không vươn lên được…

Hoạt động tự phê bình cũng vậy. Mỗi người cầm bút phải chịu trách nhiệm với bản thân, có nghị lực vươn lên, đó mới là chính. Đến trường có thể 1-2 năm nhưng đời làm văn không thể chỉ học 1-2 năm được, tự học thường xuyên, liên tục là quan trọng nhất. Rồi phải tự xông vào những vấn đề mũi nhọn đời sống, biên giới, hải đảo, công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp... mọi lĩnh vực, mới tìm được cái mới của mình. Vì không có cái hay, cái mới nào trong văn nghệ mà không xuất phát từ đời sống. Phải có nguyên mẫu tốt đẹp ngoài đời, chất liệu văn học ngoài đời.

Nhà thơ Chính Hữu nói, không ai đào tạo được nhà văn nhưng nhà văn cần được đào tạo. Tài năng văn nghệ thì không đào tạo được nhưng khi có năng khiếu phải được đào tạo và đào tạo có nhiều cách, nhưng không có cách nào tốt bằng đi vào đời sống. Ngày xưa, chúng tôi ban đầu có học trường nào đâu, vừa đi, vừa đọc, vừa hiểu, vừa tiếp xúc, vừa tự nâng cao mình. Người thực sự yêu quý mình là người tự đào tạo mình, tự thắng mình hằng ngày, không thỏa mãn thì khát vọng mới xa, tầm hiểu biết văn chương mới rộng.

PV: Nhà thơ nghĩ thế nào về trách nhiệm của văn học nghệ thuật trong lên án cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất cũng như chống tiêu cực, tham nhũng trong giai đoạn hiện nay?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đó luôn là thiên chức cao quý của văn học nghệ thuật. Văn nghệ bây giờ đang tập trung đi vào vấn đề đạo đức xã hội và hình thành dòng chảy mạnh. Có nhiều tác phẩm tốt nhưng chưa thực sự tạo được sự chấn động lớn, gây dư luận rộng rãi. Công bằng mà nói, làm được như thế rất khó. Trước kia, nền văn nghệ của ta ít nói đến mặt trái, mặt tối, đến giai đoạn đầu đổi mới, văn nghệ bắt đầu đi vào mặt trái nên lúc đó dễ gây ấn tượng. Lúc ấy chỉ có bút ký, phóng sự thôi. Bây giờ các nhà văn đang phê phán mặt trái, mặt tiêu cực rất mạnh, đầy dũng khí và trách nhiệm với các tập tiểu thuyết, các tập truyện ngắn dày dặn, vừa phê phán vừa dự báo, thể hiện rất rõ trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước yêu cầu làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Rất nhiều cố gắng nhưng chưa được đánh giá đúng, công bằng. Tôi nghĩ đến vai trò của phê bình văn học.  

Văn nghệ sĩ phải có vốn văn hóa, vốn sống

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu: “Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình”. Theo nhà thơ, làm thế nào để nền văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay “chiếu sáng cuộc sống”?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chiếu sáng cuộc sống là khả năng hiểu biết, khám phá, sáng tạo. Để thực hiện những thiên chức cao quý của văn nghệ, trước hết, chúng ta phải phấn đấu là khắc phục tình trạng kết tinh chậm, chất lượng chưa tương xứng số lượng, chưa nhiều tác phẩm đi vào vấn đề trung tâm đời sống hiện nay. Văn nghệ cần trả lời những câu hỏi về đạo đức xã hội mà người ta đang quan tâm. Muốn khắc phục những điều đó, mỗi văn nghệ sĩ phải làm nhiều việc.

Trước hết, văn nghệ sĩ phải có vốn văn hóa, vốn sống, tầm nhìn, trách nhiệm xã hội cao. Anh có vốn sống nhưng chuyển hóa nó như thế nào? Còn cần vốn nghề nghiệp nữa. Anh viết tác phẩm nào cũng như tác phẩm nào thì là tự giẫm vào chân mình. Phải nâng cao năng lực, trình độ nghề nghiệp. Vốn sống rất quan trọng. Vốn văn hóa là phải làm chủ nền văn học, nền văn hóa dân tộc. Anh chị em trẻ bây giờ ít đọc. Lại có người đọc văn học nước ngoài nhưng chưa đọc sâu vào kho tàng văn học vô cùng quý giá của cha ông, chưa nghiền ngẫm, suy nghĩ về nó. Anh chị em chưa quan tâm đầy đủ, học tập một cách hệ thống, cơ bản những giá trị từ cha ông. Ngay gần đây nhất là thành tựu của văn học chống Mỹ, chống Pháp như thế nào, nhiều người cũng chưa quan tâm.

Thứ nữa là tránh nghiệp dư hóa, dễ dãi, hời hợt, nông cạn, dễ bằng lòng với chính mình, dễ thỏa mãn, chưa đi sâu vào phát hiện, chưa hiểu biết, khám phá, sáng tạo. Muốn khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa thì văn nghệ sĩ phải khổ công tìm kiếm, sáng tạo chứ không phải dễ bằng lòng.

Một việc rất quan trọng là các hội văn học nghệ thuật, các tổ chức hội địa phương cần khắc phục cách làm cào bằng, phải tập trung có chiều sâu, bồi dưỡng những người có năng lực, triển vọng. Phát hiện anh em có tài năng, triển vọng thì tạo điều kiện đi các trại sáng tác, mời các nhà văn, nghệ sĩ có tài đến kèm cặp để giúp đỡ anh chị em. Kể cả tập trung hỗ trợ về vật chất, hỗ trợ anh em trong đời sống để anh chị em yên tâm sáng tác. Khi tổ chức hội làm được tất cả những điều đó, anh chị em càng nhận thức rõ được trách nhiệm của mình, càng phấn khởi, tự tin phấn đấu. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả văn học đối với việc xây dựng con người, tăng cường khả năng “miễn dịch” trước mọi cái xấu, cái ác. Một tác phẩm hay bao giờ cũng có khả năng hướng thiện mạnh mẽ. Đó là đích đến của văn học.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện nhiều ý nghĩa này!

Theo Qdnd.vn