20/04/2024 lúc 21:04 (GMT+7)
Breaking News

Cụ bà neo đơn 103 tuổi mòn mỏi chờ công nhận hộ nghèo

VNHNO - Đã 3 năm kể từ khi lá đơn đầu tiên của cụ bà Trần Thị Lan (trú xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) trình lên chính quyền sở tại đề nghị xét duyệt hộ nghèo, nhưng đến nay lá đơn ấy vẫn chưa được xét duyệt với lý do “không được dân bầu”.

VNHNO - Đã 3 năm kể từ khi lá đơn đầu tiên của cụ bà Trần Thị Lan (trú xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) trình lên chính quyền sở tại đề nghị xét duyệt hộ nghèo, nhưng đến nay lá đơn ấy vẫn chưa được xét duyệt với lý do “không được dân bầu”.

Cuộc sống chỉ với 270.000 đồng tiền trợ cấp

Ở tuổi 103, cụ Trần Thị Lan sống cô đơn một mình trong căn nhà lụp xụp, tồi tàn, không một món đồ giá trị. Thậm chí cái nhà vệ sinh cũng không có tử tế để sinh hoạt. Cảnh không chồng, không con, không người thân ruột thịt, không bè bạn thân thích khiến ngôi nhà càng lạnh lẽo hơn. Nhà cụ có 3 chị em, em trai cụ là liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cô em gái cũng đã ngoài 80 nhưng cuộc sống gia đình cũng vất vả, chăm chồng bệnh tật ốm đau ở xa nên không thường xuyên qua lại thăm cụ được.

Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cụ rất vất vả, cụ Lan phải tự làm tất cả mọi việc từ nấu cơm bằng bếp củi đến chia từng viên thuốc chữa căn bệnh dạ dày kinh niên của mình. Ăn uống kham khổ, sức khỏe ốm yếu, để tiết kiệm tiền, thậm chí trong căn nhà lạnh lẽo ấy cụ còn không dám thắp điện.

Cụ Lan ốm yếu chờ chính quyền địa phương xét duyệt lá đơn hộ nghèo

Mỗi tháng, cụ được trợ cấp theo chính sách tuổi già 270.000 đồng. Nhưng quá nửa trong số ấy đã phải dành ra hơn một nửa ( khoảng 140 nghìn đồng) để mua thuốc dạ dày nên việc chi tiêu hàng ngày hết sức hà tiện, khó khăn.

Lủi thủi trong căn nhà rêu phong phủ kín hai bậc thềm, mái xi măng thủng lỗ chỗ phía trên, người ta vẫn bảo trời phú cho cụ cái sức khỏe mới có thể sống tới ngày hôm nay. Lâu lâu, cụ mừng rơi nước mắt khi có người cháu rể ở cách xa tận mấy cây số mang đến cho hộp cơm, bát cháo thịt để ăn... Những ngày ốm mệt không dậy được để nấu cơm thì cụ cũng nhịn luôn cho qua bữa.

Lá đơn hộ nghèo vẫn còn bỏ ngỏ

Khi căn nhà xuống cấp trầm trọng và sức khỏe của cụ yếu dần đi thì ông Đỗ Xuân Tuấn - cháu rể của cụ Lan nhiều lần đề nghị với chính quyền xã An Nội cho cụ vào diện hộ nghèo để giúp cụ bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, cho đến nay tất cả vẫn còn để ngỏ bởi đủ mọi lý do mà chính quyền đưa ra.

Theo tìm hiểu, khi bắt đầu đề nghị đưa cụ vào diện hộ nghèo năm 2015, cán bộ xã cho rằng cụ vẫn sống với em gái có mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng thì không thể là hộ nghèo được. Nhưng thực tế, cụ Lan vẫn sống một mình và em gái suốt một thời gian dài đi biền biệt.

Năm 2016, để đúng với thủ tục, cụ được tách ra thành một hộ riêng biệt. Tuy vậy, trong mọi đợt xét duyệt hộ nghèo tại địa phương, hồ sơ của cụ vẫn không được thông qua, bởi một lý do rất khó hiểu: “Không được dân bầu”.

Cuối tháng 6/2018, ông Tuấn tiếp tục làm đơn gửi UBND xã An Nội đề xét bổ sung cụ Lan vào hộ nghèo. Tuy nhiên, đã hai tháng trôi qua, trường hợp đặc biệt này vẫn chưa có sự hồi đáp từ phía chính quyền địa phương. Như vậy, sau hơn 3 năm, cụ Lan vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ được công nhận hộ nghèo để cuộc sống bớt khổ cực. 

Chính quyền địa phương nói gì?

Lý giải về việc chậm trễ đối với trường hợp này, ông Đinh Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã An Nội (Bình Lục, Hà Nam) cho biết: “Cái này là do dân, bình bầu hộ nghèo là do dân bầu lên thôi, chúng tôi chỉ là cấp trung gian”. Cũng theo ông Toàn thì trường hợp của cụ Lan phải do trưởng thôn tổ chức họp dân, dân đồng ý thì trình lên xã mới giải quyết.

Tuy vậy, đại diện xã An Nội cũng mới xem xét lại trường hợp của cụ Lan, bổ sung và sẽ sớm đưa cụ vào danh sách hộ nghèo theo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước.

Theo Quyết định 59/2015/Đ – TTg về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 ở khu vực nông thôn chỉ cần đáp ứng tiêu chí có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống. Chiếu theo quy định này, trường hợp của cụ Lan hoàn toàn đủ điều kiện./.