29/03/2024 lúc 05:22 (GMT+7)
Breaking News

Chủ động cung ứng vaccine, bảo đảm an toàn công tác tiêm chủng mở rộng

VNHNO - Góp phần giảm tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, mở rộng triển khai vaccine mới phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ trương và thực hiện thành công chiến lược tự sản xuất vaccine… là những thành quả mà Việt Nam nỗ lực đạt được trong những năm qua trong công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR)

VNHN - Góp phần giảm tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, mở rộng triển khai vaccine mới phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ trương và thực hiện thành công chiến lược tự sản xuất vaccine… là những thành quả mà Việt Nam nỗ lực đạt được trong những năm qua trong công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Giảm tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2017 đã có 11.148 xã triển khai tiêm chủng thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn 63 xã tổ chức tiêm chủng định kỳ là những xã miền núi, vùng xa, hải đảo tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

Dự án TCMR đã dành ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các huyện đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Phước nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã, tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế thôn bản. Với những nỗ lực của cán bộ tiêm chủng trên cả nước, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi trong năm 2017 ở mức 96%, đạt chỉ tiêu Chính phủ, Bộ Y tế giao.

Việt Nam đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế Thanh toán bệnh Bại liệt năm 2000, loại trừ bệnh Uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Nhờ triển khai tốt công tác TCMR đạt tỷ lệ cao, đã giảm hàng trăm, hàng chục lần các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.

Đến nay, bệnh sởi giảm 319 lần số ca mắc bệnh, từ 65.148 ca mắc năm 1984 xuống còn 204 ca vào năm 2017; giảm 104 lần số ca mắc bệnh bạch hầu, từ 2.177 ca mắc năm 1984 xuống còn 21 ca vào năm 2017. Năm 2017 là năm thứ 17 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 12 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước.

Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B đủ ba mũi ở trẻ dưới một tuổi luôn đạt hơn 90%.Cùng với những nỗ lực tiêm chủng đủ ba mũi vaccine viêm gan B cho trẻ em, từ năm 2003, Việt Nam đã thực hiện việc tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh để phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Năm 2017, kết quả tiêm vaccine liều sơ sinh đạt tỷ lệ 76,6%.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong năm 2012, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 30 nước và vùng đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính xuống dưới 2% ở trẻ 5 tuổi, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù kinh phí Ngân sách Nhà nước đáp ứng cho TCMR chỉ đáp ứng 60% nhu cầu song dự án TCMR vẫn thực hiện và hoàn thành các mục tiêu cam kết quốc tế nhờ huy động thu hút được viện trợ của các Chính phủ, tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, GAVI, Luxembourg, PATH, JICA…

Tiến tới chủ động cung ứng vaccine

Đến năm 2018, đã có 12 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình TCMR. Để bảo đảm triển khai công tác TCMR một cách chủ động, bền vững, Việt Nam đã thực hiện chiến lược tự lực sản xuất vaccine, góp phần quan trọng vào thành công của công tác TCMR.

Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 9/10 loại vaccine sử dụng trong TCMR. Các cơ sở sản xuất vaccine đã tạo điều kiện để trẻ em Việt Nam được tiêm chủng vaccine bảo đảm chất lượng, giá thành hạ và giảm các chi phí vận chuyển.

Năm 2018, vaccine mới nhất do Việt Nam tự sản xuất là vaccine sởi – rubella (MRVAC) của Polyvac được đưa vào chương trình TCMR giúp Việt Nam chủ động nguồn cung ứng vaccine, bảo đảm không thiếu vaccine sởi - rubella sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng tuổi và tiêm chủng chống dịch trên quy mô toàn quốc.

Vaccine sởi - rubella so Việt Nam sản xuất được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ, xuyên suốt hơn 30 năm triển khai cả trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch, đáp ứng ba yêu cầu về nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, công tác TCMR có được hiệu quả cao và sự tin cậy của cộng đồng.

“Đối tượng của TCMR là trẻ nhỏ và phụ nữ, những đối tượng được xã hội quan tâm, chăm sóc. Tất cả các đối tượng này đều có quyền được tiêm chủng phòng bệnh dù ở bất kỳ xã, phường nào. Công tác TCMR ở miền núi, vùng sâu, vùng khó tiếp cận, vùng thiên tai... luôn được ưu tiên về kinh phí, vật tư tiêm chủng, vaccine và các hoạt động hỗ trợ khác. Những hoạt động ưu tiên trên đã thúc đẩy tăng tỷ lệ tiêm vaccine, mở rộng diện bao phủ của dịch vụ TCMR”, ông Đặng Đức Anh cho biết.

Chú trọng các hoạt động mang tính kỹ thuật để hỗ trợ công tác quản lý dịch vụ TCMR, Việt Nam đã thiết lập và triển khai có hiệu quả hệ thống giám sát bệnh, mở rộng phạm vi triển khai, tăng cường phương thức giám sát, điều tra từng ca bệnh. Việt Nam cũng đã xây dựng các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia và củng cố hệ thống dây chuyền lạnh, sử dụng các thế hệ bơm kim tiêm bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Với việc thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình TCMR có liên quan với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khu vực, nhờ đó các chính sách, mục tiêu, kế hoạch hành động của TCMR Việt Nam không bị lạc hậu. Có nhiều vấn đề chúng ta đã vượt lên so với yêu cầu hoặc đi trước so với khu vực./.

Theo Nhandan.com.vn