25/04/2024 lúc 11:11 (GMT+7)
Breaking News

Cạm bẫy thuốc phiện vùng biên giới Điện Biên

VNHNO - Ở những nơi vùng sâu, vùng xa nhất của hai huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tình hình buôn bán thuốc phiện vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ nghiện hút cao làm cản trở rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân địa phương. 

VNHNO - Ở những nơi vùng sâu, vùng xa nhất của hai huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tình hình buôn bán thuốc phiện vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ nghiện hút cao làm cản trở rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân địa phương. 

Dẫu khó khăn còn chồng chất, nhưng những cán bộ cơ sở, người lính biên phòng vẫn kiên trì bền bỉ cùng nhân dân đẩy lùi tệ nạn, giữ gìn biên cương, kiến tạo một tương lai tươi sáng.

Tàn phá cùng kiệt

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Đồn Biên phòng Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ. Ngay sau khi chúng tôi đặt vấn đề, Trung tá Phạm Minh Sơn, Đồn trưởng Đồn Na Cô Sa chia sẻ: “Mặc dù, cán bộ đồn cùng chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động và đưa những người nghiện đi cai nhưng nhận thức của người dân về tác hại của thuốc phiện còn rất hạn chế”.

Na Cô Sa là xã biên giới với hơn 17km đường biên giáp Lào, trải rộng trên diện tích tự nhiên hơn 12.000ha, dân cư trên địa bàn 98% là người Mông, trình độ dân trí còn thấp. Theo thống kê số người nghiện của toàn xã là gần 80 người. Đặc điểm của những người nghiện là hay đi lang thang, tránh mặt cán bộ nên để tiếp cận, trò chuyện được với họ là một thách thức. Cách duy nhất để chúng tôi lựa chọn là cùng Trung úy QNCN Hồ A Dế, cán bộ Đồn Na Cô Sa, là người Mông, am hiểu tập quán của địa phương dẫn đường, trèo đèo lội suối tìm vào tận nhà từng con nghiện.

Anh Giàng A Ký ở bản Huổi Thủng 3, cầm viên thuốc APC, loại thuốc dùng để trộn với sái thuốc phiện

Sau khi vượt nhiều đoạn đèo đất, chúng tôi đến nhà anh Giàng A Ký ở bản Huổi Thủng 3. Nhà anh Ký nằm cheo leo trên lưng chừng núi. Thấy có người lạ, con chó trắng cắn giật lên từng hồi. Vừa ló đầu ra cửa thấy chúng tôi, anh Ký định trốn ra sau nhà. Thấy vậy, Hồ A Dế ôn tồn nói một tràng tiếng Mông. Sau anh giải thích cho tôi, ý rằng: “Anh Ký không phải sợ. Có nhà báo lên thăm, tuyên truyền bỏ thuốc phiện chứ không phải đến bắt”. Thấy cử chỉ, thái độ niềm nở của chúng tôi, A Ký đã bớt lo lắng và hợp tác.

Mới gặp, nhìn bộ dạng của anh Ký, tôi không nghĩ anh sinh năm 1970. Mặt anh hốc hác, da xám bủng. Anh đưa bàn tay gầy khô, xanh xám cho chúng tôi xem. A Ký nghiện hút từ năm 1993. Anh kể, lúc đầu do chơi bời, đua đòi theo bạn bè. Ngày đó, ở bản người dân trồng cây thuốc phiện nhiều lắm. Và cũng có rất nhiều người nghiện. Thuốc sẵn nên mỗi ngày “ăn” ba, bốn điếu. “Hút nhiều như vậy, anh có đi làm được không?”- Chúng tôi băn khoăn. “Không đi làm được đâu. Người ta đi làm, mình chỉ co quắp trên giường. Đã nghiện rồi, hút không bao giờ thấy đủ, lúc nào cũng thèm?”- Anh Ký nói trong trạng thái vẫn ngáo ngáo. “Từ khi nghiện hút, anh thấy bản thân và gia đình đã bị ảnh hưởng như thế nào?”- Chúng tôi tiếp câu chuyện. “Nghiện thì nhục lắm. Vợ con bị hàng xóm coi khinh. Nhiều lúc nó chửi cũng tức lắm nhưng không sao bỏ hút được. Không làm được gì giúp cho gia đình. Lên cơn nghiện thì con gà đang ấp, con lợn cũng mang đi bán”. Giọng anh Ký bùi ngùi. Anh Hồ A Dế nói thêm vào: “Nhìn trong nhà có gì đáng giá đâu. Người ta mua sắm được ti vi, xe máy, nhà anh Ký, cơm không có mà ăn”. Nghe anh Dế nói, mắt anh Ký cũng ngân ngấn nước. Anh khóc nhưng lại nói với chúng tôi là không phải khóc, mà do thuốc phiện nên con mắt bị bệnh, đang mờ dần...

Ở xã Na Cô Sa chúng tôi còn đến nhà ông Giàng A Chử, Hạng A Sếnh… những người đã nghiện hút từ vài năm đến gần hai chục năm. Qua tâm sự của họ chúng tôi thấm thía thêm rằng, con đường của những người nghiện đều dẫn đến sự hủy hoại sức khỏe bản thân, gia đình ly tán, con cái nheo nhóc, khổ cực...

Tiếp tục hành quân lên huyện Mường Nhé. Tới đây, chúng tôi lại được Đại úy QNCN Su Lé Hừ, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, đưa đến bản Nậm Bắc, xã Chung Chải. Đây là bản người Hà Nhì mới được thành lập, có 32 hộ, gần 200 nhân khẩu. Chúng tôi đến bản lúc gần trưa nhưng quang cảnh khá vắng vẻ, chủ yếu là phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà. Nhà ở bản đa phần là vách đất. Nhà nào khá giả thì trát được một lớp xi măng ngoài lớp đất. Nhưng số này cũng rất ít ỏi.

Đại úy QNCN Su Lé Hừ ghé tai tôi nói nhỏ: “Thấy có cán bộ biên phòng và người lạ vào bản, đàn ông họ bỏ đi hết rồi”. Anh Hừ cũng là người Hà Nhì và cũng có người họ hàng trong bản. Sau một hồi đi tiền trạm, anh Hừ thuyết phục được anh Lùng Lù San, một người có họ hàng bên vợ nói chuyện với chúng tôi. Gia đình anh San cả hai vợ chồng đều nghiện cách đây hơn 20 năm, đi cai nghiện hai lần nhưng đến bây giờ vẫn chưa thành công. Bộ dạng anh San giống như người vô hồn. Da mặt anh xám bủng, khô đét. Ánh mắt đờ đẫn, người nhỏ thó, chân tay teo tóp, đen đúa. Nhìn bộ dạng như vậy, tôi không nghĩ anh sinh năm 1977. Mọi người trong bản đều kể rằng, trước đây gia đình nhà anh giàu có, nhiều trâu nhất bản, nhà gỗ to ở bản Đoàn Kết. Tuổi trẻ, anh San là người đẹp trai, có tài, là niềm mơ ước của biết bao cô gái Hà Nhì. Vậy mà nghiện ngập đã tàn phá anh và gia đình quá khủng khiếp.

Cũng giống như xã Chung Chải, ở một số xã khác như Leng Su Sìn, Sen Thượng-những nơi vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Mường Nhé có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, tỷ lệ người nghiện hút vẫn còn rất cao. Người nghiện ở đây chủ yếu là thế hệ 6X, 7X, do hút thuốc trong một thời gian dài nên họ còn mắc thêm các bệnh về phổi, đường ruột, xương khớp…

Nỗ lực vận động người dân cai nghiện

Thực trạng nghiện hút đang gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống kinh tế của người dân. Trước vấn nạn này, chính quyền và Bộ đội Biên phòng ở các địa phương sở tại đã có nhiều biện pháp ngăn chặn đẩy lùi. Theo đồng chí Tráng A Sủ, Bí thư Đảng ủy xã Na Cô Sa, tình trạng nghiện hút của người dân một phần do tập tục để lại từ xa xưa. Hơn nữa, do người dân ở vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp nên ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương vẫn là tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của thuốc phiện, hỗ trợ, vận động họ đi cai nghiện. Tháng 10-2017, xã Na Cô Sa đã vận động gần 20 người đi cai. Sau đợt cai nghiện tập trung, tình trạng hút thuốc phiện của người dân đã giảm.

Biện pháp gốc rễ trong đấu tranh ngăn chặn, giảm tình trạng nghiện hút ở vùng biên giới có sự chung tay gánh vác trách nhiệm của các chiến sĩ biên phòng. Những ngày vượt núi, ngủ bản cùng nhau, anh Dế kể: “Cánh biên phòng chúng mình ngủ rừng, ngủ bản nhiều hơn ngủ ở đồn. Ngoài việc vận động cai nghiện, chúng tôi phải trinh sát, phát hiện những kẻ cầm đầu, kẻ buôn bán, đầu độc người dân để có biện pháp xử lý”. 

Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn phải lấy người dân là gốc, không xa lánh kỳ thị người nghiện. Ngược lại, phải gần gũi, động viên để họ thành tâm hối cải trở thành cộng tác viên tích cực trong cộng đồng. Như trường hợp anh Ký, ban đầu đến vận động, anh Ký cãi bay cãi biến nói cán bộ vu cáo. Sau một thời gian dài được anh Dế gần gũi, động viên, anh Ký hiểu được ý tốt của Bộ đội Biên phòng nên tự nguyện đi cai tập trung, giờ đây anh Ký đã giảm được nghiện. Nhờ sự cộng tác của anh Ký mà chúng tôi mới hiểu thêm rằng, hiện nay, do sự kiểm soát gắt gao của chính quyền địa phương nên những con nghiện ở vùng núi chủ yếu đi lang thang xin sái thuốc phiện (thuốc phiện đã hút qua một lần) rồi về trộn với viên thuốc APC, cô lại rồi hút. 

Thuốc APC màu trắng, nhỏ như chiếc cúc áo, trên có ghi chữ APC. Đây là loại thuốc cảm, hiện nay đã bị cấm bán trên thị trường, nhưng một số đối tượng bán hàng rong vẫn lén lút bán, giá chỉ vài nghìn đồng/viên. Từ những gì trải nghiệm, anh Giàng A Ký nhận thấy, hút sái với thuốc APC không khác gì thuốc độc. Mới hút trong khoảng thời gian ngắn nhưng tàn phá cơ thể ghê gớm, cảm giác như bị thuốc ăn vào mạch máu, vào xương. Mỗi khi lên cơn nghiện, nếu không được hút, xương khớp đau nhức như có côn trùng bò bên trong. Theo anh Dế, những người nghiện trong bản chủ yếu là thế hệ 6X và 7X nên về lâu dài, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương quản lý chặt số nghiện, không để phát sinh thêm người nghiện mới.

Câu chuyện đi vận động bỏ thuốc phiện của Đại úy QNCN Su Lé Hừ khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Anh Hừ kể: “Tôi là người Hà Nhì nên ở bản Nậm Bắc có rất nhiều anh em, họ hàng thân quen. Đối tượng tôi vận động cai nghiện rất nhiều, trong đó có người là bạn nối khố, có người là họ hàng. Chỉ vì ăn phải bùa mê thuốc phiện dẫn đến người thì chết, người thì thân tàn ma dại phải bỏ quê hương, nhà tan cửa nát, con cái nheo nhóc”.

Chúng tôi cùng anh Hừ đến nhà anh Lùng Mò Giá, con trai của Lùng Lù San. Khi nghe chúng tôi nói chuyện, Lùng Mò Giá không khỏi chạnh lòng nói xen ngang: “Cả bố và mẹ nghiện hút nên chúng tôi thấy xấu hổ với bạn bè lắm. Đi học chúng bạn trêu. Mà cũng cực khổ lắm. Nhà tôi có ba anh em nhưng bố mẹ nghiện nên cái bát không có mà dùng, cơm không có mà ăn, quần áo mặc không đủ. Phải đi xin làng xóm, họ hàng người thân qua bữa”. Lời Giá nói nghe thật chua xót! Từ lỗi lầm của bố mẹ, được mọi người chỉ bảo, may mắn ba anh em Giá đều tu chí làm việc, yêu thương đùm bọc nhau. Giá 20 tuổi và người anh trai 22 tuổi, điếu thuốc lá cũng không hút. Đời không phụ người chăm chỉ, nhờ cần cù lao động, anh em Giá đã dựng được căn nhà, dù là vách đất nhưng cũng có chỗ để trú nắng, trú mưa.

Mái nhà nhỏ do bàn tay, công sức lao động của anh em Giá dựng lên từ vũng bùn lầy nghiện ngập của bố mẹ thể hiện một ý chí vươn lên tuyệt vời, một tương lai đang được gầy dựng. Điểm sáng nho nhỏ đó làm chúng tôi tin tưởng rằng, với trình độ nhận thức của người dân được nâng cao, sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, tình trạng nghiện hút nơi vùng biên giới tỉnh Điện Biên sẽ được đẩy lùi, cuộc sống của người dân sẽ dần được cải thiện đủ đầy hơn./.

Theo Qdnd.vn