19/04/2024 lúc 17:27 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Xường Giao Duyên

VNHNO - Xường là làn điệu dân ca tiêu biểu, phổ biến của dân tộc Mường bao gồm cả Xường chúc, Xường cài hoa, Xường giao duyên…Thông thường, việc diễn ca thường được bà con hát trong dịp thu hoạch mùa bội thu, đám cưới, lễ hội, có khi cả trong đám ma…

VNHNO - Xường là làn điệu dân ca tiêu biểu, phổ biến của dân tộc Mường bao gồm cả Xường chúc, Xường cài hoa, Xường giao duyên…Thông thường, việc diễn ca thường được bà con hát trong dịp thu hoạch mùa bội thu, đám cưới, lễ hội, có khi cả trong đám ma…

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.  Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương Bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên. Ủy ban nhân dân huyện đã quyết định phê duyệt đề án “Bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên” huyện Ngọc Lặc với mục đích bảo tồn những sản phẩm văn hóa có giá trị, lưu lại cho thế hệ sau và đồng bào các dân tộc trong vùng  một loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, cũng  nhằm để công chúng yêu thích môn nghệ thuật này  có điều kiện tìm hiểu,  sưu tầm, lưu  giữ,  bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên huyện Ngọc Lặc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Ảnh minh họa

Nhà thơ Vương Anh  (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa),  quê huyện Ngọc lặc, là một trong những tác giả được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2017,  với tác phẩm “Xường cài hoa dân tộc Mường” - Một thể loại của Xường  giao duyên và ông Bùi Hồng Nhi nguyên Trưởng phòng Văn hoá huyện Ngọc Lặc đã có những đánh giá, nhận xét,  trao đổi  về loại hình nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên ở Ngọc Lặc. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây  là một thể loại dân ca tiêu biểu và là di sản phi vật thể của người  Mường.  Xường giao duyên có vị trí quan trọng  trong đời sống tinh thần đồng bào dân tộc.  Việc Bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa là việc làm cần thiết, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một trong cơ chế thị trường.

Xường là làn điệu dân ca tiêu biểu, phổ biến của dân tộc Mường bao gồm cả Xường chúc, Xường cài hoa, Xường giao duyên…Thông thường, việc diễn ca thường được bà con hát trong dịp thu hoạch mùa bội thu, đám cưới, lễ hội, có khi cả trong đám ma…Hát xường phổ biến trong thời gian khoảng tháng 10 tới hết mùa xuân. Địa chỉ để hát Xường giao duyên được chọn là nhà sàn quanh bếp lửa mùa đông, hay bên con suối chảy êm đềm, dưới sân nhà sàn, bên cây bông hoa,  hay ruộng lúa trĩu bông vàng rười rượi dưới trăng, nơi tập trung có sự kiện đông người khi vui, hoặc khi buồn…

Đối tượng tham gia hát xường là một tốp nam và một tốp nữ, bên chủ nhà và bên khách mời. Hát Xường chia làm ba chặng với nội dung lời hát khác nhau cho phù hợp từng chặng. Chặng một là bên chủ hát mời khách trước. Chặng hai bên khách hát đối đáp sau. Chặng ba là hai bên thay nhau hát lời hẹn thề, dặn dò, tạm biệt và hẹn gặp lại lần hát xường sau.

Nội dung lời hát rất phong phú, như ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ca ngợi cảnh đẹp quê hương,  làng bản của nhau, ca ngợi đất nước, những người có công và chủ đề chính là ca ngợi tình yêu và lòng chung thủy. Đồng thời cũng có những lời ca khen tính nết tốt, lòng can đảm, hình thể xinh đẹp  và  đức năng cần cù trong lao động. vvv…

Nhớ lại những đêm hát xường một thời thiếu nữ, nhà văn Hà Cẩm Anh tâm sự: Chúng tôi, những cô gái mười tám đôi mươi thuở ấy, chỉ mong mùa xuân về để hẹn bạn xường nơi bãi ngô, triền hoa cải mộng mơ xinh đẹp như xứ thiên đường. Chúng tôi không chỉ xường những bài về tình yêu đôi lứa, những tha thiết nhớ  mong  mà còn Xường mừng lúa mới như những lời xường mà nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thơ Vương Anh,  ông Bùi Hồng Nhi nguyên Trưởng phòng Văn hoá huyện Ngọc Lặc đã sưu tầm xường cài hoa, trong nội dung có xen lẫn khát vọng tình yêu đôi lứa. Các nhà nghiên cứu đã  sưu tầm nhiều tác phẩm xường của người mường mang giá trị tâm linh, tinh thần đi theo suốt cuộc đời  người dân bản làng  như: “Anh đi chín bản, mười làng/ Thức Xường cho trăng trong xuống ngó/ Lay gió cho sấm động tháng ba/ Anh đi hát Xường cài hoa để kịp mùa cấy gặt... ”. Hát Xường mừng hoa lim đầu vụ với nhiều hình ảnh ví von, so sánh, gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân như: “Trắng nhột như con cá đã luộc/ Bay vật vờ như con chuồn chuồn/ Bông lim đầu vụ sang năm lại nở/ Nó nở bông to trên núi Cù Kỳ/ Nó nở bông chùm trong truông Tu Ti, vực Khướng/ Trong rú cao, rừng sâu đã đành/ Sa nhân mọc cả đồi tràm/ Bao đêm đi bắn mà không gặp nơi cây sa nhân mọc/ Cây ngóc đầu đồi nào/ Siêng năng chui vào rừng để tìm ra/ Bông sa nhân nở tím...”. Có nhiều bài Xường thuộc các nội dung khác nhau như Xường giao duyên đối nhau trong đêm trăng cho các đôi trai gái tìm đến hẹn hò. Xường nhớ bạn lại một mình vừa trỉa bắp, vừa hát lời thương nhớ, lấy ruộng nương, đám mây, cánh chim trời để chia lời than thở như: “ Anh ơi/ Em thương thiết, thương lắm, thương sầu/ Bắt tiếng mày con chim Que quén/ Mày kêu vặng vèn khuya đêm/ Anh còn có nhớ đến lời Em nhắn/ Em nhắn cho Anh, Em đã nhắn vào lá trầu chấp/ Em nhắn cho Anh, Em không có nhắn vào lá trầu thâm/ Để ngày nào ông trời mưa lâm thâm Anh còn phải nhớ đến Em/ Bố nhà Em lên cầu thang một chiều/ Mệ nhà Em xuống cầu thang một ngày/ Em còn phải cấy cùng nà, ăn nhờ cơm Cha mặc nhờ áo Mẹ/ Ăn nhờ cơm Cha Em còn phải đi cấy hái/ Mặc nhờ áo mẹ Em còn phải đi xáo cỏ bông/ Em đi xáo cỏ bông ở đồi bái trác một thân, một mình Anh à. !”.

Để bảo tồn phát huy giá trị của xường, ngày 27/11/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 14523/UBND-VX về việc chủ trương đưa nghệ thuật diễn dân gian Xường giao duyên của dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc vào danh mục di sản phi vật thể Quốc gia. Vì vậy các cơ quan ban ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, nhân dân giá trị to lớn của các thể loại xường. Đặc biệt xường giao duyên,  nhằm “đánh thức” loại hình nghệ thuật giá trị này bằng việc đưa vào nội dung xường trong các lễ hội, thành lập các Câu lạc bộ xường, hội xường, tổ chức các cuộc thi xường kết hợp với du lịch bản địa và đem bộ môn xường vào các tiết học ngoại khóa trong trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khu vực miền núi. Có như vậy xường mới có sức sống bền vững và phát huy giá trị của nội hàm bộ môn nghệ thuật này. Huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã và đang hướng đến những việc làm như vậy. n

Ông PHẠM VĂN ĐẠT

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc