29/03/2024 lúc 15:26 (GMT+7)
Breaking News

Bán rượu tiêu dùng tại chỗ: Có cần xin giấy phép?

VNHNO - Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH TFF đề nghị cơ quan chức năng xem xét về việc cắt giảm nghĩa vụ đăng ký và xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

VNHNO - Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH TFF đề nghị cơ quan chức năng xem xét về việc cắt giảm nghĩa vụ đăng ký và xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bán rượu tiêu dùng tại chỗ, có cần xin giấy phép

Công ty TNHH TFF đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dự kiến sẽ bán nhiều loại thức uống đi kèm món ăn trong đó có các loại cocktail pha chế từ rượu và phục vụ cho khách uống ngay tại nhà hàng. Công ty TNHH TFF hỏi về việc có cần xin giấy phép kinh doanh rượu cho hoạt động bán các thức uống cocktail pha chế từ rượu và phục vụ cho khách uống ngay tại nhà hàng không? Nếu có thì loại rượu hoặc thức uống có cồn nào được loại trừ không phải xin giấy phép kinh doanh rượu?

Theo ý kiến của Công ty, việc kiểm soát chất lượng các loại rượu là việc cần thiết và thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc này nên tập trung nhiều hơn ở khâu cung cấp, sản xuất, nhập khẩu, thay vì tập trung vào các đơn vị tiêu thụ tại chỗ. Vì hoạt động pha chế, phục vụ thức uống pha chế từ rượu là một hoạt động rất phổ biến ở nhiều nhà hàng tại Việt Nam và phần lớn thuộc về các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty.

Do đó, nếu quy định thêm các loại giấy phép và thủ tục mới sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Công ty, trong bối cảnh hoạt động nhà hàng đã bị quản lý chặt ở các loại thủ tục và quy định khác.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

Theo Điều 4 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu: “Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này”.

Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP: “1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm (Ethanol).

Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích”.

Bộ Công Thương ghi nhận kiến nghị của Công ty về việc cắt giảm nghĩa vụ đăng ký và xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ. Đồng thời sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu và có báo cáo đánh giá trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp./.

Theo Văn Phòng Chính Phủ